

Là một phần quan trọng trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới, di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương).
Quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tọa lạc tại tỉnh Hải Dương, nơi giao thoa giữa đồng bằng và trung du, mang vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên kết hợp với những giá trị lịch sử sâu sắc. Đây là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn từng đóng quân, lập đại bản doanh chống quân Nguyên Mông vào thế kỷ XIII. Cũng tại đây, Nguyễn Trãi – vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới – đã sống và viết nên những tác phẩm bất hủ, góp phần định hình nền văn hóa nước nhà.
Côn Sơn là nơi có bề dày lịch sử, văn hóa.
Côn Sơn nổi bật với chùa Côn Sơn (Thiên Tư Phúc Tự), nơi gắn liền với Phật giáo Trúc Lâm và thiền phái Yên Tử. Ngọn núi Côn Sơn cùng những di tích như suối Côn Sơn, bàn cờ tiên, đá Kỳ Lân… đã trở thành biểu tượng của một miền đất thiêng. Trong khi đó, Kiếp Bạc lại là vùng đất linh thiêng, nơi nhân dân tôn thờ Đức Thánh Trần với lòng thành kính sâu sắc, thể hiện qua các nghi lễ truyền thống mỗi mùa lễ hội.
Các nhà khoa học tham gia xây dựng hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc cho rằng khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được xác định và xác minh từ các nguồn thông tin đáng tin cậy. Đó là những tư liệu chắt lọc từ biên niên sử Việt Nam, các tài liệu tôn giáo cổ, kinh Phật, thơ phú, hàng trăm văn bia tại các địa điểm, cùng với các bản đồ và chữ khắc cổ. Nhiều nguồn thông tin truyền khẩu quan trọng như các nghi thức trong lễ hội, nghi lễ thờ thần thánh, tụng kinh, kể chuyện, truyền thuyết... Các màn trình diễn đặc biệt cũng được tổ chức như đấu võ, đánh trận giả, chèo thuyền, các trò chơi và hội thi.
Được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật Di sản văn hóa. Xung quanh các di tích đều có vùng bảo vệ cảnh quan chung, được gọi là vùng đệm. Các vùng đệm đủ rộng để có thể bảo vệ các giá trị của khu di tích khỏi các tác động bên ngoài.
Tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chia sẻ, cùng với nỗ lực bảo vệ các di tích hiện hữu, Hải Dương đã nghiên cứu, phục dựng các công trình kiến trúc của khu di tích từng có trong lịch sử, dựa theo những tư liệu (văn bia, thần tích) và kết quả khảo cổ học như tòa Cửu Phẩm liên hoa, Lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, tả hữu hành lang chùa Côn Sơn...
Tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (thứ hai từ trái sang) thông tin tới đoàn công tác của Báo Lai Châu và Báo Hải Dương: Hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được xét công nhận di sản thế giới.
Thời gian tới, UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo UBND TP Chí Linh, các ban, ngành liên quan nghiên cứu báo cáo Dự án Sinh thái Hồ Thanh Long (khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc) để triển khai thực hiện. Ban Quản lý di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc đang phối hợp Viện Du lịch bền vững Việt Nam xây dựng Đề án Phát triển khu du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc giai đoạn năm 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo đà phát triển cho du lịch. Mục tiêu phấn đấu đưa khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành khu du lịch quốc gia giai đoạn năm 2025-2030.
Cho đến nay, Côn Sơn - Kiếp Bạc vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh. Không chỉ là nơi lưu giữ những câu chuyện hào hùng của dân tộc, quần thể này còn là điểm đến để mỗi người dân Việt Nam tìm về cội nguồn, tĩnh tâm trước không gian thiêng liêng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là nhiệm vụ quan trọng trong thời đại mới. Các công trình trùng tu, nghiên cứu khoa học và hoạt động quảng bá đã góp phần đưa di sản này trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch văn hóa Việt Nam.
Côn Sơn - Kiếp Bạc không chỉ là chứng nhân của lịch sử mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần bất khuất và sự trường tồn của văn hóa Việt. Những âm vang từ quá khứ sẽ còn mãi vọng lại, nhắc nhở thế hệ hôm nay về trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị quý báu của cha ông.
Hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được trình lên UNESCO và đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện để xét công nhận di sản thế giới. Dự kiến, khi được UNESCO ghi danh là di sản thế giới, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc sẽ đón khoảng 4 triệu khách/năm.
Tin đọc nhiều

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng

Bình Thuận: Xây dựng Mũi Né thành trung tâm du lịch mang tầm quốc tế

Khắc ghi lời Bác dạy

Vang mãi hào khí tháng ba

Nâng tầm giá trị hạt muối

Gìn giữ, bảo vệ “lá phổi xanh”

Lào Cai vững tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Human Act Prize 2024: Kết nối nguồn lực, lan tỏa cảm hứng, kiến tạo cộng đồng









