

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên, vụ đông xuân năm nay, nông dân gieo cấy 2.043,3ha lúa, hiện trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, cuối đẻ nhánh và đứng cái; 1.705,19ha chè giai đoạn phát triển búp non, thu hái búp và 788ha cây ngô sinh trưởng từ 1 - 4 lá. Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện liên tục có mưa, xen kẽ ngày nắng nóng là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh, gây hại. Do đó, đã có 0,7ha lúa nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn lá, phân bố tại các xã: Mường Cang, Mường Than, Mường Kim, Phúc Than. Bệnh vàng lá, khô đầu lá sinh lý bị nhiễm nhẹ cục bộ 2,5ha tại các xã: Mường Cang, Mường Than, Hua Nà, Mường Kim và thị trấn Than Uyên. Ngoài ra, còn có một số đối tượng bệnh như: tập đoàn rầy, châu chấu, dế dũi, sâu đục thân, bệnh khô vằn, thối gốc, triệu chứng bệnh lùn sọc đen gây hại nhẹ trên một số diện tích.
Anh Triệu Văn Bảy ở bản Nậm Sáng (xã Phúc Than) chia sẻ: “Gia đình tôi cấy hơn 2.000m2 lúa séng cù, do thường xuyên thăm đồng nên sớm phát hiện có diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn. Tôi đã phun thuốc phòng trừ, hy vọng cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo sản lượng, năng suất”.
Tương tự, gia đình anh Hà Văn Nùi ở bản Mường (xã Mường Than) có hơn 2.000m2 lúa Việt Lai 20 và nếp 98 bị nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn lá. Hiện, anh đang tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh để có biện pháp bảo vệ, chăm sóc.
Bên cạnh cây lúa, một số sâu bệnh gây hại nhẹ trên cây chè là rầy xanh, rệp mềm và một số ít diện tích ngô bị sâu keo mùa thu phá hoại.
Gia đình anh Triệu Văn Bảy ở bản Nậm Sáng (xã Phúc Than) kiểm tra sâu bệnh gây hại trên lúa đông xuân.
Có nguồn thu nhập chính từ hơn 1ha chè, ngay khi phát hiện rầy xanh gây hại, gia đình anh Triệu Chòi Sênh ở bản Nậm Sáng (xã Phúc Than) tập trung phun thuốc trị bệnh. Theo anh Sênh, nếu không phun thuốc trị rầy xanh kịp thời sẽ làm lá và búp chè bị khô dẫn đến giảm năng suất, chất lượng khi thu hái. Còn với gia đình anh Lò Văn Thân ở bản Cang Mường (xã Mường Cang) trồng hơn 1.500m2 ngô nếp, trong đó có hơn 500m2 bị sâu keo mùa thu phá hoại. Theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, anh đã mua thuốc phun, song mấy hôm nay thời tiết mưa nắng thất thường nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Để phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây trồng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn bà con biện pháp phòng trừ, khống chế, không để lây lan trên diện rộng. Đối với diện tích lúa đang đẻ nhánh rộ, cuối đẻ nhánh và đứng cái, bà con phải vệ sinh đồng ruộng và quanh bờ nhằm hạn chế nơi trú ngụ của sâu, bệnh; thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm sinh vật gây hại, có biện pháp phòng trừ kịp thời. Những diện tích lúa đang nhiễm bệnh đạo ôn lá dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Bankan 600WP, Katana 20SC, Beem Hoa kỳ 880WP, Fujione 40WP, Difusan 20EC… phun kép 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày. Với diện tích lúa bị bệnh vàng lá, khô đầu lá sinh lý, tập đoàn rầy, phun các loại thuốc: Vivadamy 3SL, Tilt super 300EC, Nevo330EC, Tiptop 250EC.
Cây chè và ngô bị nhiễm bệnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân dùng các loại thuốc: Fittoc super 90EC, Fastish 116WG, Clever 300WG, Clever150SC, Takumin 20WG... Nên phun theo đúng nồng độ, liều lượng trên bao bì, thời gian phun vào sáng sớm, chiều mát và thay đổi thuốc sau mỗi lần phun để hạn chế tính kháng thuốc của sâu bệnh.
Anh Nguyễn Văn Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên cho biết: Dự báo thời gian tới, thời tiết tiếp tục có mưa, trời âm u, ẩm độ cao xen kẽ những ngày nắng nóng, thuận lợi cho một số sâu bệnh tiếp tục phát sinh, gây hại. Trong đó, trên cây lúa sẽ xuất hiện tập đoàn rầy, châu chấu, dế dũi, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh thối gốc, bệnh lùn sọc đen, đạo ôn lá, vàng lá, khô đầu lá gây hại. Trên cây ngô xuất hiện sâu keo mùa thu, rệp mềm, sâu đục bắp, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá gây hại và rầy xanh, rệp mềm tiếp tục gây hại trên cây chè. Do đó, trung tâm tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động bà con thăm đồng thường xuyên, để có biện pháp phòng trừ bệnh kịp thời. Ngoài ra, đôn đốc bà con tập trung chăm sóc cây trồng theo đúng quy trình, kỹ thuật giúp cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi, hạn chế sự gây hại của sâu bệnh. Qua đó, đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng theo kế hoạch.
Tin đọc nhiều

Giá xăng tăng tiếp, RON 95 tiến gần 21.000 đồng/lít

Giá thịt lợn tăng

Đòn bẩy giúp người dân thoát nghèo

Than Uyên thả 10 vạn cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

Nhiều cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới

Giữ rừng nơi biên cương Lai Châu

Sức vươn kinh tế tập thể

Nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế ở Đồn Biên phòng Huổi Luông




