

Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường được coi là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu, khám phá tri thức của học sinh. Qua đó, hình thành thói quen, kỹ năng... góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn và lối sống văn hóa lành mạnh cho học sinh.
Tranh thủ giờ giải lao các em học sinh lên thư viện nhà trường đọc sách, thư giãn sau giờ học căng thẳng.
Thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, nhiều người cho rằng sách đã trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, dù công nghệ có hiện đại đến đâu, sách vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Bởi lẽ, sách không chỉ là nguồn tri thức, mà còn là một phần của văn hóa, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Do đó, các đơn vị trường học nói chung, Trường THCS Đoàn Kết nói riêng luôn chú trọng trong xây dựng kế hoạch dạy học nhằm duy trì tốt văn hóa đọc trong nhà trường. Nhất là nhà trường đã quan tâm đầu từ cơ sở vật chất, tạo môi trường thuận lợi nhất để hình thành thói quen đọc sách của mỗi học sinh.
Trong đó, nhà trường chú trọng xây dựng thư viện với số lượng đầu sách phong phú, đa dạng về thể loại như sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện tranh, sách kỹ năng sống và văn học thiếu nhi…. Không gian đọc sách được bố trí khoa học, thân thiện với học sinh, đảm bảo ánh sáng và chỗ ngồi thoải mái. Để phát triển văn hóa đọc, tạo thói quen đọc sách cho học sinh, nhà trường đã chủ động, linh hoạt tổ chức các hoạt động thư viện, phong trào đọc sách theo hướng đa dạng hóa về nội dung và hình thức.
Ngoài thư viện truyền thống, không gian đọc sách cũng được mở rộng, bố trí khoa học thân thiện giúp học sinh tiếp cận sách dễ dàng hơn. Đặc biệt, nhà trường cũng từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý thư viện, khai thác tốt hoạt động thư viện trên phần mềm điện tử giúp học sinh, giáo viên tra cứu và mượn sách thuận tiện hơn.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động khuyến khích đọc sách được tổ chức như tiết đọc định kỳ, “Ngày hội đọc sách”, “Tuần lễ sách và văn hóa đọc”, câu lạc bộ đọc sách, các cuộc thi kể chuyện, vẽ tranh theo sách, tổ chức thi xếp sách sáng tạo... nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người của mỗi học sinh, giáo viên; khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách và lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường; hình thành thói quen đọc sách góp phần xây dựng xã hội học tập.
Để xây dựng thói quen đọc sách bền vững, nhà trường cũng chú trọng đến sự phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh. Giáo viên không chỉ hướng dẫn học sinh cách chọn sách phù hợp mà còn thường xuyên giới thiệu những cuốn sách mới, đầu sách hay, bổ ích, để kích thích tính ham học, ham đọc của học sinh.
Nhà trường cũng kêu gọi sự đóng góp từ các em học sinh nhằm làm phong phú thêm nguồn sách cho thư viện. Đồng thời, khuyến khích học sinh đọc sách tại nhà, giúp các em hình thành thói quen yêu thích đọc sách, nuôi dưỡng niềm đam mê với sách, từ đó giúp các em nâng cao tri thức, tư duy sáng tạo.
Việc phát triển văn hóa đọc đã và đang góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường thể hiện trên các phương diện như: Tăng cường hứng thú và hiệu quả học tập của học sinh, phát triển kỹ năng tự học và nghiên cứu, phân tích tổng hợp, cải thiện kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp, khuyến khích sự sáng tạo và tư duy phản biện của học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên. Nhất là với học sinh, được tiếp cận nhiều tài liệu bổ ích, mở rộng vốn kiến thức, rèn kỹ năng tự học, tư duy phân tích và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh. Đọc sách thường xuyên giúp học sinh mở rộng vốn từ, cải thiện kỹ năng viết, diễn đạt mạch lạc hơn trong học tập, đồng thời nâng cao kỹ năng giao tiếp, khả năng cảm thụ văn học của học sinh.
Ngoài ra, việc đọc sách giúp cho các giáo viên có thêm tài liệu tham khảo, ứng dụng phương pháp dạy học sinh động, giúp bài giảng phong phú và hấp dẫn hơn, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên.
Những năm gần đây, Trường THCS Đoàn Kết đã xây dựng nhiều tiết dạy và tiết đọc sách tại thư viện đem lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự tương tác tích cực, nhiệt tình, hứng thú từ học sinh. Trong các tiết dạy và tiết đọc sách tại thư viện nhà trường, các em được thầy cô giáo định hướng đọc những cuốn sách bổ ích, nội dung vừa phù hợp lứa tuổi, phục vụ học tập vừa bổ sung, nâng cao hiểu biết, kĩ năng sống và tích lũy kinh nghiệm sống....
Đọc sách không chỉ đơn thuần là một hình thức tiếp nhận thông tin, kiến thức mà còn là một trong những hoạt động văn hóa. Vì vậy, xây dựng văn hóa đọc sách hiệu quả trong nhà trường là vô cùng cần thiết. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh, mà còn giúp cho học sinh tích lũy tri thức, kỹ năng sống, mà trên hết là hình thành nhân cách.
Tin đọc nhiều
Hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ THPT

Chủ động tiếp cận chương trình mới

Gần 200 học viên được tập huấn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh lớp 10

Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng giáo dục
Làm quen với tiếng Anh sớm giúp trẻ tự tin

Làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ
Trường Mầm non thị trấn Mường Tè đạt giải Nhất Hội thi “Bé khỏe - Bé tài năng”







