

Nhiều phong tục, tập quán vốn ăn sâu trong đời sống người dân tộc thiểu số tại Lai Châu, từ chuyện cưới xin, ma chay cho đến chăn nuôi, sản xuất. Nhưng không ít trong số đó, dù từng mang dấu ấn văn hóa truyền thống, nay đã trở thành rào cản cho sự phát triển: tảo hôn, hôn nhân cận huyết, mê tín dị đoan, thả rông gia súc... gây ra những hệ lụy kéo dài về sức khỏe, giáo dục, kinh tế, môi trường và trật tự xã hội. Trước thực tế ấy, Nghị quyết số 15 ra đời như một “cú huých” mạnh mẽ - không chỉ nhằm thay đổi tư duy, hành vi, mà còn kiến tạo một chuẩn mực văn minh mới trong đời sống cộng đồng.
Ngay từ những ngày đầu triển khai, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt và trách nhiệm cao. Ban chỉ đạo được thành lập đồng loạt ở các cấp, kế hoạch triển khai được ban hành chi tiết; hơn 2.000 hội nghị học tập nghị quyết được tổ chức, thu hút gần 200.000 lượt người tham gia. Toàn bộ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tỉnh đều được nghiên cứu, quán triệt nghị quyết. Đặc biệt, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức sáng tạo: tuyên truyền qua mạng xã hội, tổ chức phiên tòa giả định, chiếu phóng sự “Tảo hôn thời đại 4.0”, tổ chức Hội thi “Dân vận khéo”, tuyên truyền qua sân khấu hóa, clip, infographic, văn nghệ cộng đồng, chiếu phim lưu động, hội chợ, loa truyền thanh... Tất cả đều nhằm mục tiêu duy nhất: đưa nghị quyết thấm vào đời sống người dân một cách tự nhiên, gần gũi và hiệu quả.
Dân tộc Lào ở huyện Tam Đường chú trọng lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống; tích cực đẩy lùi hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu trong đời sống. Trong ảnh: Tiết mục múa khăn của phụ nữ dân tộc Lào.
Ảnh: C.T.V
Tuy nhiên, Lai Châu không dừng lại ở tuyên truyền. Xóa bỏ hủ tục chỉ thực sự hiệu quả khi chuyển hóa thành hành động thực tiễn. Chính vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo đưa nội dung này vào quy ước, hương ước cộng đồng - một bước đi rất “thực tế” và “chạm đúng chỗ”. Kết quả trong năm 2024 đã có 647 thôn, bản cập nhật nội dung xóa bỏ hủ tục vào hương ước; tỷ lệ tảo hôn giảm mạnh (34,2%) so với năm trước, không còn trường hợp hôn nhân cận huyết. Một loạt mô hình điểm đã được triển khai khắp các địa phương, từ “Đám tang không giết trâu bò”, “Không thả rông gia súc”, “Dòng họ cam kết xóa bỏ hủ tục”, đến các sáng kiến như “Nàng dâu họ Giàng nói không với hủ tục”, “Nữ sinh mở đường tương lai”, “Thanh, thiếu niên nói không với tảo hôn”... Những thay đổi ấy đến từ chính bên trong cộng đồng, nhờ sự đồng lòng của người dân, sự vào cuộc của già làng, trưởng bản, người có uy tín.
Nhưng muốn “dẹp cái xấu” triệt để thì cần “lấy cái đẹp” thay thế. Lai Châu xác định rõ: không thể xóa bỏ hủ tục nếu thiếu đi sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cùng với công tác tư tưởng, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ tín dụng, thúc đẩy du lịch, đào tạo nghề, tạo việc làm, mở rộng bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe toàn dân. Các chính sách an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia, phong trào thi đua yêu nước… đều được lồng ghép với nội dung xây dựng nếp sống văn minh. Đời sống đi lên, tư duy sẽ dần thay đổi, đó là lộ trình đúng đắn và bền vững.
Tuy nhiên, hành trình xóa bỏ hủ tục chưa thể dừng lại. Những kết quả đạt được cho đến nay dù rất đáng khích lệ, nhưng vẫn còn khoảng trống cần lấp đầy. Nhiều nơi tiến độ cập nhật quy ước còn chậm, tài liệu tuyên truyền thiếu sinh động, công tác giám sát chưa sâu sát, một bộ phận cán bộ chưa nêu gương, vẫn giữ tâm lý “cũ cho lành”. Nguyên nhân đến từ cả khách quan lẫn chủ quan: địa bàn rộng, dân tộc đa dạng, tỷ lệ nghèo còn cao, phong tục lâu đời ăn sâu vào tiềm thức… Thay đổi những điều ấy không thể trong ngày một ngày hai, nhưng cần quyết tâm và chiến lược rõ ràng.
Không chỉ duy trì mặc trang phục truyền thống vào một số ngày nhất định trong tuần học, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh còn xây dựng không gian văn hóa của các dân tộc, giúp học sinh thêm yêu, trân quý văn hóa truyền thống. Ảnh: C.T.V
Năm 2025, Lai Châu đặt mục tiêu đầy tham vọng nhưng thực tế: 100% thôn, bản hoàn tất quy ước xóa bỏ hủ tục, 30% loại hủ tục được loại bỏ, cơ bản đẩy lùi tảo hôn. Tỉnh sẽ tiếp tục phát huy các mô hình hiệu quả, mở rộng tuyên truyền bằng hình thức thi trực tuyến, biên soạn tài liệu phù hợp với từng nhóm đối tượng, gắn tuyên truyền với giáo dục, du lịch, văn hóa và chính sách hỗ trợ. Đồng thời, khuyến khích cộng đồng phát hiện - biểu dương - nhân rộng những điển hình tiên tiến, xử lý nghiêm những vi phạm quy ước, lợi dụng lễ cưới, việc tang để vụ lợi.
Bài học từ năm đầu thực hiện Nghị quyết số 15 cho thấy, xóa bỏ hủ tục không chỉ là việc của chính quyền mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Và nếu chính sách đủ quyết liệt, phương pháp đủ sáng tạo, thì ngay cả những “tập quán bất di bất dịch” cũng có thể thay đổi. Lai Châu đã khởi đầu một hành trình đúng hướng. Và nếu tiếp tục giữ được tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, thì hành trình ấy chắc chắn sẽ về đích - không chỉ xóa đi những gì cũ kỹ, mà còn vun đắp cho một tương lai văn minh, tự tin và phát triển hơn nơi vùng cao Tây Bắc.
Tin đọc nhiều

Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XV làm việc với huyện Than Uyên

Lai Châu phấn đấu hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, dột nát trước ngày 25/6/2025

Bế mạc Kỳ họp thứ hai mươi bảy (Kỳ họp chuyên đề)

Dấn bước vào kỷ nguyên mới, bản lĩnh người cán bộ và trách nhiệm với dân tộc

“Miễn tự hào” – Một tư duy lệch chuẩn đáng lên án

Các đơn vị của Vùng 3 hưởng ứng Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2025

Phiên thảo luận tại tổ Kỳ họp thứ hai mươi bảy (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026

Hội Nhà báo Việt Nam: Sơ kết 4 năm thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2024







