

Xã Huổi Luông có 21 bản, 1.494 hộ, 7.962 nhân khẩu, 13,015km đường biên tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng biên phòng tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ đường biên mốc giới, vận động nhân dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, không vượt biên trái phép, không tiếp tay cho các loại tội phạm. Ngăn ngừa các hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ, các hoạt động buôn lậu, tội phạm ma túy, các tệ nạn xã hội…. Nhờ sự đồng lòng, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân, mảnh đất nơi biên cương Tổ quốc ngày càng vững mạnh, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.
Từ năm 2024 đến nay, xã phối hợp với Đồn Biên phòng Huổi Luông tổ chức 42 cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các văn bản pháp luật và 3 văn kiện pháp lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc cho hơn 6.500 lượt người. Thực hiện 3 đợt phát quang đường biên giới với 45 lượt dân quân tham gia. Đồng bào các dân tộc trong xã cung cấp cho bộ đội biên phòng 28 nguồn tin, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Đồng chí Lê Văn Dung - Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông chia sẻ: Những năm qua, xã phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng lãnh, chỉ đạo nhân dân chung sức đồng lòng xây dựng Huổi Luông trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, xã hội; vững về an ninh trật tự tại địa phương. Nhiều năm nay, xã không có người vượt biên trái phép, không có tình trạng di cư tự do. Bà con yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 30% theo chuẩn nghèo đa chiều; thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm; xã được công nhận là xã nông thôn mới năm 2020.
Đồng bào dân tộc thiểu số cùng các chiến sỹ Đồn Biên phòng Huổi Luông tích cực tuần tra, bảo vệ vững chắc đường biên mốc giới.
Tại các xã biên giới như: Ma Li Pho, Sì Lở Lầu, Vàng Ma Chải, Dào San… người dân tích cực phối hợp với lực lượng chức năng tham gia tuần tra đường biên, mốc giới, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, không chỉ giữ gìn sự bình yên cho bản làng mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân nước bạn. Anh Lù Vần Lìn - Trưởng bản Sòn Thầu 1, xã Ma Li Pho chia sẻ: “An ninh tốt thì dân mới yên tâm làm ăn. Chúng tôi vận động bà con không nghe lời kẻ xấu, không xuất nhập cảnh trái phép, sống và làm việc theo pháp luật”.
Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới với 97,229km đường biên, tiếp giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Toàn huyện có 8 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 93,0% dân số toàn huyện. Xác định rõ “an ninh trật tự là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội”, huyện Phong Thổ đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm pháp luật và tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hình thức tuyên truyền được đổi mới, gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm văn hóa từng dân tộc, thông qua các buổi họp bản, phát thanh bằng tiếng dân tộc, tuyên truyền lưu động hay kết hợp văn nghệ quần chúng...
Lực lượng công an xã chính quy được tăng cường, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cơ sở và người có uy tín trong đồng bào dân tộc để nắm bắt tình hình, giải quyết mâu thuẫn từ sớm, từ cơ sở. Nhiều mô hình tự quản, tổ an ninh nhân dân, câu lạc bộ phòng chống tội phạm… được thành lập và phát huy hiệu quả. Người dân không chỉ tích cực tố giác tội phạm, giữ gìn trật tự mà còn chủ động phòng ngừa, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động, lôi kéo.
Đến nay, toàn huyện có 163 Tổ an ninh nhân dân; 170 Tổ hòa giải; 170 Tổ Phòng cháy chữa cháy; 29 Tổ bảo vệ đường biên mốc giới. 4 bản bình yên về an ninh trật tự; 15 dòng họ tự quản về an ninh trật tự. 5 Cổng trường An toàn giao thông; 1 mô hình Phụ nữ vận động chồng, con không vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội; 1 Câu lạc bộ phụ nữ tự quản về an ninh trật tự. 1 Bản du lịch sinh thái an toàn về an ninh trật tự; 1 Điểm sinh hoạt tôn giáo thuần túy đảm bảo an ninh trật tự; 1 Đội tự quản về an ninh trật tự của Hội Cựu chiến binh; 1 Ban bảo vệ dân phố; 1 mô hình Móc khóa An ninh; 1 Tủ sách pháp luật. Toàn huyện có 17 thôn, bản, tổ dân phố không ma túy…
Nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện Phong Thổ những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Quốc phòng - an ninh được bảo đảm; hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng lên. Đặc biệt, tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm về ma túy, xuất nhập cảnh trái phép có xu hướng giảm rõ rệt. Đây chính là nền tảng quan trọng để huyện tiếp tục phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Đồng chí Mai Thị Hồng Sim - Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: “Muốn giữ được an ninh trật tự lâu dài, phải dựa vào dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số - những người trực tiếp gắn bó, hiểu rõ địa bàn và có uy tín trong cộng đồng. Mỗi người dân là một chiến sĩ bảo vệ an ninh trật tự nơi biên cương”.
Bằng nhiều biện pháp thiết thực, đồng bào dân tộc thiểu số đã chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền huyện Phong Thổ ngăn chặn các hành vi vi phạm, xây dựng cuộc sống yên bình và an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên vùng đất biên cương.
Tin đọc nhiều

Khai mạc Lễ hội Sú Khon Khoài và trình diễn nghề dệt thổ cẩm lần thứ III năm 2025

Phát huy vai trò lãnh đạo của cán bộ người dân tộc thiểu số

Lai Châu: Siết chặt kỷ cương, không để “vùng trũng” cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng giáo dục
Sôi nổi thi đấu các môn thể thao truyền thống trong Lễ hội Then Kin Pang năm 2025
Hỗ trợ, đổi công xây nhà

Chi bộ vững, chính quyền mạnh, quần chúng tốt

Hơn 4.000 đại biểu dự Hội nghị phổ biến Luật Dữ liệu, Luật Phòng, chống mua bán người







