

Đã 50 năm trôi qua nhưng với CCB Hoàng Mạnh Kiên, ở tổ dân phố 17, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên vẫn còn nhớ như in những năm tháng được giao nhiệm vụ làm lính trinh sát tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Năm 1972, từ miền quê Nho Quan, Hà Nam Ninh, chàng thanh niên 22 tuổi Hoàng Mạnh Kiên tình nguyện lên đường ra trận. Sau 3 tháng huấn luyện tại Trung đoàn 75 ở Thanh Hóa, ông cùng đồng đội hành quân sang Lào, tham gia chiến đấu ở mặt trận Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở Lào, tháng 1/1975, ông nhận lệnh về nước và được phân công vào Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 tại đây ông cùng đồng đội được giao nhiệm vụ trinh sát để khi sư đoàn vào sẽ tiến công đánh chiếm Buôn Ma Thuột. Đây là trận đánh "then chốt" mở màn của chiến dịch Tây Nguyên, đồng thời cũng là trận mở màn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trong Đại thắng mùa xuân năm 1975. Ông cùng đồng đội hành quân xuyên đêm, xuyên rừng với mục tiêu nắm được địa hình, quân số của địch, vẽ sơ đồ, đo khoảng cách giữa các hàng rào, số lượng lính gác của địch tất cả đều phải chính xác. Trải qua nhiều tháng ngày gian khổ, đối mặt với mất mát, hy sinh, ông đã hoàn thành nhiệm vụ “tiền trạm”, “mở đường” để rạng sáng ngày 10/3/1975, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công quyết tâm giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.
Đến đêm ngày 26/4/1975, đơn vị ông tiếp tục nhận lệnh hành quân tiến vào cứ địa Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Những ngày đó, địch liên tục ném bom đánh phá, cản đường, rất nhiều đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh, người trước ngã xuống người sau lại tiếp tục xông lên làm nhiệm vụ. Sự hy sinh của đồng đội càng tiếp thêm sức mạnh để anh em trong đơn vị vượt qua gian nan, thử thách. Đến ngày 28/4/1975, Trảng Bàng được giải phóng và đơn vị của ông tiếp tục nhận nhiệm vụ chốt chặn tại cứ điểm này, không cho địch tiến về Sài Gòn. Đến 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, Sài Gòn-Gia Định hoàn toàn được giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Sau ngày giải phóng, ông tiếp tục hành quân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới tại Yên Bái, Lai Châu. Năm 1977, do sức khỏe yếu, ông xin chuyển ngành về địa phương phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.
Còn với CCB Doãn Đình Nhân, ở tổ dân phố 17, thị trấn Tân Uyên mỗi khi nhắc đến những ngày tháng lịch sử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đôi mắt ông lại rưng rưng, nhớ đến những ngày gian khổ cùng đồng đội chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, nhiều đồng chí đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Càng thêm tự hào vì được tham gia trực tiếp đánh bại quân địch góp phần làm nên chiến thắng 30/4 lịch sử.
Ngày đó, ông thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, đơn vị ông nhận nhiệm vụ thọc sâu đánh vào Buôn Ma Thuột, trước mắt đánh chiếm căn cứ pháo binh và căn cứ thiết giáp cùng các hệ thống phòng thủ vòng ngoài của địch. Đúng 10 sáng ngày 10/3/1975, đơn vị của ông lái 4 xe tăng gầm rú, nã hỏa lực và cùng bộ binh xông thẳng vào trận địa địch. Sự xuất hiện của xe tăng là bất ngờ lớn với quân địch, khiến quân địch trở tay không kịp. Thừa thắng, đơn vị ống đánh thẳng vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Tại đây, đơn vị của ông chiến đấu gan dạ, bất chấp sự kháng cự quyết liệt của quân địch. Đến 11 giờ trưa cùng ngày, lá cờ quân giải phóng đã tung bay trên sở chỉ huy sư đoàn; các lực lượng của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột bị tan rã hoàn toàn.
Ngày 23/3, nhận được lệnh của trên, ông cùng đơn vị khẩn trương cơ động bằng xe ô tô xuống Gia Nghĩa, để tiến công giải phóng thị xã này trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 20/4, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ cắt đường 22 từ Tây Ninh về Sài Gòn, ngăn không cho địch rút về cố thủ tại Sài Gòn, tập trung đánh vào hai ấp Bông Chang và Bầu Nâu (Tây Ninh). Bất chấp sự kháng cự quyết liệt của quân địch ông và đồng đội chiến đấu gan dạ, có lúc chạm trán với quân địch, cái chết gần kề nhưng chúng tôi vẫn bảo nhau tiến lên tiêu diệt địch. Đến trưa ngày 30/4, đơn vị của ông nhận được tin miền Nam giải phóng trên Radio, cả đơn vị ôm nhau hò reo trong nỗi vui mừng khôn xiết.
Sau ngày giải phóng, dù ở bất cứ nơi đâu, làm công việc gì, các chiến sỹ Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 còn sống vẫn luôn nhớ về trận đánh năm xưa và đồng đội còn nằm lại. Tại thị trấn Tân Uyên đã thành lập Ban Liên lạc của Trung đoàn 148 để kết nối, quy tập hài cốt liệt sỹ, giúp đỡ gia đình các chiến sỹ đã hy sinh. Đồng thời động viên nhau phát triển kinh tế, chung tay xây dựng quê hương ngày giàu đẹp.
Đã 50 năm trôi qua, những ký ức về một thời chiến đấu oanh liệt vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim của các CCB từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Quá khứ về một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" giúp thế hệ trẻ thêm tự hào về truyền thống yêu nước, hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh. Từ đó, nỗ lực học tập, cống hiến xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tin đọc nhiều

Lai Châu phấn đấu hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, dột nát trước ngày 25/6/2025

Tam Đường: Linh hoạt trong công tác giảm nghèo

Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Gieo mầm tri thức, ươm dưỡng tài năng

Chung sức xây dựng quê hương
Khai mạc Kỳ họp thứ hai mươi bảy (Kỳ họp chuyên đề)

Dừng in thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy

Thắp lửa đam mê đọc sách







