

Những ngày xuân, chúng tôi có dịp thăm Hồ Sì Pán - bản du lịch cộng đồng của dân tộc Mông mới thấy đời sống văn hoá của người dân nơi đây ngày càng khởi sắc. Không chỉ có những ngôi nhà trình tường theo đúng bản sắc mà bà con tập trung xây dựng đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Các bà, mẹ khi có thời gian lại dạy con cháu thêu thùa, luyện tập các bài hát, điệu múa để gìn giữ các bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.
Có được kết quả này là sự nỗ lực cố gắng của cấp uỷ chính quyền địa phương trong việc vận động bà con xây dựng nếp sống văn hoá mới. Theo chia sẻ của các già làng, tập tục của đồng bào dân tộc Mông gắn với rừng núi, nương rẫy mà các bản thường không sống tập trung, chia thành từng nhóm nhỏ với vài hộ riêng biệt, lẻ tẻ. Trong khi đó, đường giao thông, điện lưới chưa thể đến, không chỉ ngăn cách về văn hoá, trình độ sản xuất mà còn làm cho người dân thiếu nhận thức, dễ sa đà vào lối sống hủ tục hoặc các tệ nạn. Để thay đổi, cán bộ xã đi sâu, đi sát vào cơ sở, họp dân, họp bản tuyên truyền chủ trương, chính sách, vận động dân xây dựng đời sống văn hoá, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong từng công việc. Đẩy mạnh đấu tranh, phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh, xoá bỏ các hủ tục còn tồn tại.
Cùng với đó, vận động bà con tăng gia sản xuất, làm giàu chính đáng. Ở các sự kiện, ngày lễ tết, xã thường xuyên tổ chức văn nghệ, thể thao để người dân được vui chơi, gắn kết. Đồng thời, xã đẩy mạnh phát triển giáo dục, nâng cao tri thức, tham mưu lên UBND huyện đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Trao truyền cách thêu, dệt trang phục truyền thống ở bản Tìa Tê, xã Pu Sam Cáp.
Có sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền xã, nhận thức của người dân ở 4/4 bản từng bước thay đổi. Minh chứng rõ nét nhất, là đường làng ngõ xóm sạch đẹp, gia súc không còn thả rông, việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Nhất là hiếu, hỷ không còn dài ngày, các tục lệ giảm bớt, tiết kiệm kinh phí, thời gian. Trong các ngày hội, lễ tết, bà con cùng nhau múa hát, tham gia các trò chơi dân gian như đánh tù lu, bắn nỏ, kéo co, ném pao. Hoạt động thể dục thể thao diễn ra hằng ngày tại các sân tập với nhiều môn từ truyền thống đến hiện đại.
Anh Chang A Sấy (bản Hồ Sì Pán) cho biết: Được xã tuyên truyền, nhận thức người dân thay đổi, không còn trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ mà tự mình vươn lên thay đổi cuộc sống. Đặc biệt, các hộ thuộc diện di dời khỏi nơi nguy cơ sạt lở được cả cộng đồng hỗ trợ dỡ, dựng nhà, góp phần tái thiết lại cuộc sống.
Trong xoá đói giảm nghèo, người dân đồng lòng chia sẻ với nhau cách làm, hỗ trợ vốn, cây trồng, con giống, giúp nhau thu hoạch nông sản. Nhiều hộ còn góp vốn làm chung, xây dựng các mô hình tiên tiến, để cùng nhau làm giàu, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của xã năm 2024 xuống còn 44,86%, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng.
Người dân bản Hồ Sì Pán hướng dẫn nhau cách chơi nhạc cụ của dân tộc mình.
Văn hoá công sở được xây dựng, cán bộ, công chức đi làm có tác phong, nề nếp, không sử dụng rượu bia, thuốc lá trong giờ làm việc, khi tiếp công dân, lời nói chuẩn mực, công việc giải quyết nhanh, riêng nơi làm việc thông thoáng, sạch sẽ, có biển tên, biểu hiệu rõ ràng. Bên cạnh đó, xã thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở, nắm bắt, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của dân, lập hòm thư góp ý, niêm yết số điện thoại để dân phản ánh kịp thời công việc của xã, bản, góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Anh Chang A Đề - Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, toàn xã có 3/4 bản, 253/321 hộ, 100% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hoá. Thời gian tới, xã tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để xây dựng đời sống văn hoá hiệu quả, có chiều rộng và lan toả rộng khắp cộng đồng.
Tin đọc nhiều
Hội thảo khoa học cấp tỉnh về văn học nghệ thuật Lai Châu – 50 năm Ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển

Lễ hội Hoa Lan năm 2025 sẽ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ 4/4

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số
Cả một trời trắng muốt hoa ban

Trekking chinh phục đỉnh hoa Đỗ Quyên - Sản phẩm du lịch hấp dẫn ở Lai Châu

Hội thi ẩm thực dân tộc, giã bánh giầy và thi nấu thắng cố
Lễ hội PuTaLeng huyện Tam Đường lần thứ II, năm 2025

Lai Châu - Miền quê đáng sống!








