

Ngày 25/3 vừa qua, anh L.V.P ở bản Mè (xã Ta Gia, huyện Than Uyên) vào Trung tâm Y tế huyện Than Uyên trong tình trạng chân tay run lẩy bẩy, dưới cằm phải xuất hiện một nốt mụn thâm đen. Sau khi kiểm tra, các bác sỹ nghi ngờ anh P. mắc bệnh than do ăn thịt trâu chết không rõ nguyên nhân. Đồng thời, lấy dịch gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Rất may anh P. chỉ bị mắc bệnh nhiễm trùng do tụ cầu vàng. Song, đây cũng là một bài học nhớ đời cho anh. Trò chuyện với chúng tôi, anh P. tâm sự: “Chỉ vì ham rẻ nên tôi mua 30kg thịt trâu chết của một người quen ở xã Tà Hừa về chia cho họ hàng cùng ăn. Sau khi ăn xong, thấy nổi mụn, ngứa, sưng vùng quanh vết thương và đau đầu, lo sợ bị mắc bệnh than nên tôi đã đến Trung tâm Y tế huyện điều trị. May mắn là tôi không bị mắc căn bệnh đó, từ giờ tôi không dám ăn thịt động vật chết nữa”.
Đến bây giờ, anh G.A.S ở bản Nậm Béo (xã Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ) vẫn không khỏi rùng mình khi nghĩ đến tình trạng sức khỏe của bản thân vào cuối năm 2024. Trò chuyện với anh S. chúng tôi được biết, chỉ vì ham rẻ nên anh đã mua lợn ốm chết về sử dụng. Sau đó, anh S. đi trồng quế ở huyện Tân Uyên thì bị cây đổ vào chân, dập mu bên phải. Anh S. về nhà dùng thuốc nam để đắp, nhưng không thấy đỡ. Trong khi cẳng, bàn tay, cẳng, bàn chân ngày càng một thâm tím, trên người lại nổi nhiều mụn, đau bụng, đau cổ, tiêu chảy và mệt mỏi toàn thân. Thấy sức khỏe ngày một yếu, gia đình đã đưa anh S. vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Sau khi thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm, các bác sỹ kết luận anh S. bị sốc nhiễm khuẩn, ban xuất huyết chưa rõ nguyên nhân và nhiễm liên cầu lợn, suy thận cấp, nhiễm toan, vết thương nhiễm trùng mu chân phải. Xác định bệnh nhân mắc căn bệnh nguy hiểm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuyển anh S. về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị tiếp. Nhờ sự tận tâm điều trị của các bác sỹ, sau nửa tháng cứu chữa, sức khỏe anh S. ngày một tốt hơn và được ra viện.
Bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Than Uyên tuyên truyền tới người dân về những nguy hại của việc ăn thịt động vật chết.
Sự ra đi của ông S.V.L (bản Vàng Bâu, xã Mường So, huyện Phong Thổ) đã xảy ra được hơn 1 năm, nhưng mỗi khi nhắc lại vẫn là bài học đau xót cho nhiều người. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ vì tiếc con lợn chết của chị gái mà ông L. đã mổ ăn. Sau 5 ngày, ông L. có người mệt mỏi, chóng mặt, sốt kèm đi ngoài, ăn uống kém. Mặc dù được điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Mường So (xã Mường So), Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ, song tình trạng bệnh của ông L. ngày càng nặng nên được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm khẳng định ông L. bị viêm màng não TD do S.suis (liên cầu lợn), Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuyển ông L. về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Nhưng do bệnh tình quá nặng, ông L. tử vong sau 5 ngày điều trị.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Thủy - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Những căn bệnh mắc phải do ăn thịt động vật chết thường rất nguy hiểm. Bởi bản thân loại thịt đó có mang theo các vi sinh vật gây hại, ảnh hưởng đến sức khỏe; nhẹ có thể dẫn đến ngộ độc, tiêu chảy; nặng có thể mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: than, liên cầu lợn. Đặc biệt, vi khuẩn than chủ yếu gây bệnh cho động vật, nhất là các loài gia súc ăn cỏ như: trâu, bò, ngựa… Khi ăn thịt gia súc mắc bệnh, bào tử vi khuẩn than có thể xâm nhập vào cơ thể con người và gây bệnh dẫn đến suy hô hấp, nhiễm độc toàn thân, nhiễm trùng máu, viêm màng não khiến bệnh nhân tử vong. Còn bệnh liên cầu lợn là loại vi khuẩn nguy hiểm sống trong cơ thể lợn, thường cư trú ở đường hô hấp trên, nhất là xoang mũi, hạch hạnh nhân và đường tiêu hóa của lợn. Khi ăn phải lợn có vi khuẩn liên cầu lợn, người bệnh sẽ có các triệu chứng điển hình như: sốt, đau đầu, nôn mửa, xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa. Nếu bị vi khuẩn liên cầu lợn xâm nhập vào máu sẽ sản sinh ra nhiều độc tố với các biểu hiện: Tụt huyết áp, rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng, trụy tim mạch, suy hô hấp, hôn mê, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Để phòng cách bệnh trên, bác sỹ Nguyễn Thanh Thủy khuyến cáo người dân chỉ nên mua các loại thịt động vật được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng, không mua thịt có những nốt xuất huyết dưới da hay thịt bị chuyển màu. Tuyệt đối không ăn thịt tái, tiết canh, bởi nguy cơ nhiễm giun sán, nhiễm trùng nguy hiểm rất lớn. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ thịt động vật ốm chết. Nếu chẳng may ăn phải thịt động vật chết và có các triệu chứng như: sốt, đau đầu, nôn mửa, nổi mụn, chóng mặt… phải nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Tin đọc nhiều

Khẩn trương ngăn chặn bệnh dại

Huyện Tam Đường: Vượt kế hoạch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi

Đồng hành cùng trẻ vượt qua hội chứng tự kỷ

Trung tâm điều khiển xa phát huy vai trò tích cực

Thuế thu nhập cá nhân: Cần nâng mức giảm trừ gia cảnh

Giữ gìn, bảo vệ môi trường nước

Người gieo chữ - gieo cả tấm lòng nhân ái

Cần một điểm tựa







